Thể thủy tinh là một trong những bộ phận quan trọng của con mắt. Để mắt có thể nhìn được bình thường, thể thủy tinh phải trong suốt và có tính đàn hồi để giúp mắt thay đổi điều tiết, nhìn xa cũng rõ mà nhìn gần cũng rõ. Tuy nhiên, khi tuổi càng cao, thể thủy tinh càng trở nên mờ đục, mất khả năng điều tiết. Đục thể thủy tinh cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra như bệnh đái tháo đường, do dùng một số thuốc, hoặc sau chấn thương. Khi thể thủy tinh bị đục, nó ngăn cản không cho ánh sáng đi vào trong mắt. Tùy theo mức độ đục mà bệnh nhân sẽ bị giảm thị lực hoặc hoàn toàn không nhìn thấy gì cả, chỉ còn phân biệt được sáng hay tối mà thôi. Về mặt cấu tạo, thể thủy tinh có 2 phần cơ bản là bao thể thủy tinh (bao bọc ở phía ngoài) và nhân thể thủy tinh ở phía trong. Khi bị đục thể thủy tinh, đa số các trường hợp bị đục nhân bên trong. Cũng có những trường hợp bị mờ đục cả nhân và bao thể thủy tinh. Để điều trị các trường hợp đục thể thủy tinh, đến nay, chỉ có một phương pháp duy nhất là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ lấy bỏ phần nhân thể thủy tinh bị đục, sau đó thay thế bằng thể thủy tinh nhân tạo, đặt vào phần bao (vỏ) của thể thủy tinh. Nhờ vậy mà ánh sáng có thể đi vào trong mắt, hội tụ trên võng mạc, bệnh nhân lại nhìn thấy được. Tuy nhiên, sau một thời gian, phần bao thể thủy tinh còn để lại có thể bị mờ đục, làm cho bệnh nhân nhìn mờ trở lại. Với những trường hợp này, các bác sĩ có thể dùng laze để cắt phần bao bị mờ đục để bệnh nhân có thể nhìn lại được. Trường hợp teo gai thị như bác nêu thì hoàn toàn không liên quan gì đến việc điều trị bệnh đục thể thủy tinh. Hay nói cách khác là ngoài bị đục thủy tinh thể thì họ còn gặp phải một bệnh thứ 2 về mắt là teo gai thị.Với trường hợp của bác khi bệnh chưa tiến triển nặng, bác nên đến khám chuyên khoa mắt định kì để có hướng dẫn điều trị kịp thời.
Trả lời: