Mắt là bộ phận có cấu trúc khá phức tạp, bởi vậy mà các bệnh lý về mắt rất đa dạng với nhiều triệu chứng khác nhau. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh mắt và điều trị đúng cách sẽ giúp bảo vệ thị lực, phòng tránh tới mức tối thiểu các rủi ro có thể xảy ra. Những triệu chứng điển hình nhất của một số bệnh mắt thường gặp sẽ được đề cập trong bài viết này.

Tìm hiểu về các bộ phận cấu tạo của mắt

Trước hết, bạn sẽ cần phải hiểu sơ qua về cấu tạo khá phức tạp của mắt. Các bộ phận chính của mắt bao gồm:

- Giác mạc: vùng mô trong suốt che phủ tròng đen của mắt

- Mống mắt: tròng đen của mắt

- Đồng tử: là vùng trung tâm của mống mắt, giúp điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt

- Thủy tinh thể: như một thấu kính trong suốt, giúp tập trung các tia sáng đi vào võng mạc

- Võng mạc: nơi tiếp nhận ánh sáng để chuyển thành tín hiệu thần kinh đến não bộ

- Điểm vàng: vị trí trung tâm của võng mạc, giúp bạn nhìn rõ nét mọi vật.

- Thần kinh thị giác: kết nối mắt với não bộ, mang các tín hiệu từ võng mạc tới vùng cảm nhận thị giác tại não.

- Dịch kính: khối dịch trong suốt, giúp duy trì hình dạng ổn định của mắt.

Các bộ phận của mắt

Các bộ phận của mắt

Bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục. Bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không gây đau đớn. Thị lực của người bệnh sẽ giảm dần với các triệu chứng nhìn mờ như có màn sương che phủ, chấm đen, ruồi bay trước mắt…

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đục thủy tinh thể là do quá trình lão hóa của mắt. Ngoài ra, bệnh còn có thể do một số nguyên nhân khác như biến chứng tiểu đường, chấn thương, tác dụng phụ của thuốc, tiếp xúc với tia cực tím…

Các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể đang được áp dụng hiện nay bao gồm: sử dụng kính đeo, sản phẩm hỗ trợ điều trị đục thủy tinh thể, hoặc phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo…

Thoái hóa điểm vàng

Là một bệnh lý liên quan chặt chẽ với tuổi tác, thoái hóa điểm vàng thường xuất hiện ở tuổi ngoài 60. Trong bệnh lý này, các tế bào điểm vàng của mắt bị thoái hóa và chết đi khiến cho thị lực trung tâm bị suy giảm nhưng hình ảnh vẫn sáng rõ ở vùng ngoại vi. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như nhìn hình ảnh bị gợn sóng, méo mó…

Có 2 dạng thoái hóa điểm vàng là thể khô và thể ướt. Trong thoái hóa điểm vàng thể ướt có sự xuất hiện của các mạch máu bất thường dưới võng mạc, chúng rất dễ vỡ gây rò rỉ dịch làm mất thị lực trung tâm nhanh chóng. Còn đối với thoái hóa điểm vàng thể khô, các tế bào điểm vàng bị thoái hóa khiến thị lực trung tâm giảm dần theo thời gian.

Đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây mù hàng đầu. Để tránh rủi ro này, bạn cần chăm sóc mắt càng sớm càng tốt. Liên hệ ngay 0971.003.903 để được tư vấn giải pháp tối ưu.

Bong võng mạc

Là hiện tượng võng mạc tách rời màng mạch bên dưới nó. Triệu chứng điển hình mà bạn có thể nhận thấy là sự xuất hiện các chấm đen, vật thể trôi nổi, nháy sáng trong tầm nhìn. Bệnh thường gặp ở những người cận thị nặng, người cao tuổi sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, chấn thương mắt… Bong võng mạc là bệnh mắt có thể được điều trị bằng phương pháp laser để làm giảm triệu chứng bệnh.

Viêm kết mạc

Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, có thể do nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc dị ứng với khói, bụi, hóa chất gây nên. Bệnh khiến cho mắt khó mở bởi ghèn rỉ mắt chảy ra nhiều và thường không gây ảnh hưởng tới thị lực.

Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc là do virút, vì vậy bạn không cần thiết phải dùng đến kháng sinh, trừ khi nguyên nhân được xác định là do vi khuẩn hoặc để phòng trừ bội nhiễm.

Bệnh glocom (tăng nhãn áp)

Glocom là một nhóm các bệnh do áp lực tăng cao trong mắt, gây ảnh hưởng tới thần kinh thị giác và có thể gây mất thị lực. Bệnh gồm 2 dạng là glocom góc đóng (xảy ra đột ngột, gây đau, đỏ mắt) và glocom góc mở (dạng phổ biến và không gây đau).

Trong giai đoạn sớm của bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng. Theo thời gian, thị lực bị suy giảm dần, thậm chí có thể gây mù lòa. Bác sỹ có thể làm ngưng sự tiến triển của bệnh với thuốc nhỏ mắt, chiếu tia laser…

Viêm màng bồ đào

Màng bồ đào là bộ phận chứa các mạch máu nuôi dưỡng toàn bộ nhãn cầu. Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào thường là do chấn thương, nhiễm khuẩn, bệnh thấp khớp hoặc các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Khi bị viêm màng bồ đào, bạn sẽ thấy đau nhức mắt, đỏ mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng và xuất hiện những chấm đen trong tầm nhìn. Để điều trị viêm màng bồ đào, các bác sỹ có thể sử dụng các thuốc kháng sinh, chống viêm.

Đục dịch kính

Đục dịch kính là tình trạng khối dịch kính vốn trong suốt của mắt bị biến đổi cấu trúc, trở nên vẩn đục và thường do lão hóa mắt gây ra. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện một số vật thể trôi nổi hay còn gọi là “ruồi bay” trước mắt. Nhìn chung, bệnh không gây nguy hiểm và không cần điều trị, các triệu chứng sẽ mờ dần và não bộ sẽ học được cách làm quen với những “con ruồi hư ảo” này.

Mù màu

Mù màu – bệnh mắt làm giảm khả năng cảm nhận màu sắc

Mù màu – bệnh mắt làm giảm khả năng cảm nhận màu sắc

Người bị mù màu thường khó khăn trong việc nhận biết một số màu sắc nhất định, thường là màu đỏ và màu lục. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt hoặc suy giảm chức năng của các tế bào cảm nhận màu sắc tại võng mạc. Bệnh thường do di truyền nhưng cũng có thể xuất hiện do lão hóa, bệnh tật, chấn thương mắt hoặc tác dụng phụ của 1 số loại thuốc.

Dị ứng mắt

Ở một số người có cơ địa nhạy cảm, mắt dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với mỹ phẩm, thuốc, bụi bẩn hoặc phấn hoa… khiến mắt bị ngứa, đỏ, chảy nước mắt. Bệnh thường xuất hiện theo mùa, tái phát nhiều lần và khó điều trị dứt điểm. Nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể gây viêm mạn tính, tổn thương giác mạc vĩnh viễn. Một số thuốc nhỏ mắt chứa chất kháng histamin có thể làm giảm triệu chứng khó chịu ở mắt.

Các tật khúc xạ ở mắt

Hiện nay, các tật khúc xạ ở mắt đều có thể được khắc phục bằng kính đeo hoặc phẫu thuật. Có 3 dạng tật khúc xạ chính là:

- Cận thị: khiến mắt bạn không thể nhìn rõ vật ở xa, nhưng vật ở cự ly gần vẫn nhìn thấy rõ

- Viễn thị: mắt khó nhìn rõ những vật ở gần, nhưng nhìn xa lại rất tốt.

- Loạn thị: mắt không thể nhìn rõ vật ở mọi cự li gần hay xa, có thể kết hợp với cận thị (tật cận loạn) hoặc viễn thị (viễn loạn).

Ds Lê Lương

Tham khảo

http://www.medicinenet.com/eye_floaters/page9.htm