Đục thủy tinh thể còn có tên gọi khác là cườm khô hay cườm đá: là tình trạng mờ đục thể thủy tinh trong mắt và gây ra những rối loạn về thị lực.

Đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước và các protein. Các protein này được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng có thể xuyên qua và được hội tụ trên võng mạc.

Đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ một phần hay toàn phần ở lớp vỏ ngoài hay bên trong thấu kính (thể thủy tinh) của mắt. Sự lắng đọng của các Protein tập trung thành từng đám làm cho ánh sáng xuyên qua và bị tán xạ tạo ra những vùng mờ đục trong thể thủy tinh cản ánh sáng đến võng mạc và làm giảm thị lực.

Những triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây ra những triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên theo thời gian thủy tinh thể bị đục ngày càng nhiều và mắt người bệnh nhìn mờ hơn vì lượng ánh sáng đến võng mạc bị giảm đi. Những triệu chứng thường gặp nhất là:

- Nhìn mờ như có lớp màng sương che phủ trước mắt

- Quáng gà

- Ra nắng nhìn mờ hơn ở nơi râm mát

- Tăng nhạy cảm với ánh sáng

- Hiện tượng nhìn đôi, nhìn ba.

Dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể.jpg

Dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể

Nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể

- Lão hóa do tuổi cao: trên 80% người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người có độ tuổi trên 50.

- Môi trường sống: tia tử ngoại, khói bụi, vi khuẩn,… làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein và dẫn đến mờ đục.

- Người mắc các bệnh mãn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh về mắt (mắt hột, đau mắt đỏ, chấn thương hoặc viêm mắt…).

- Dùng quá nhiều chất kích thích như: bia rượu, thuốc lá...

- Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời.

- Tiếp xúc nhiều với các xạ ion hóa được sử dụng trong X – quang và xạ trị ung thư.

- Di truyền.

- Dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch.

Các loại đục thủy tinh thể

- Đục thủy tinh thể do lão hóa: phần lớn các đục thủy tinh thể do tuổi già.

- Đục thủy tinh thể bẩm sinh.

- Đục thủy tinh thể thứ phát: phát triển ở những người mắc một số bệnh, ví dụ như tiểu đường.

- Đục thủy tinh thể do chấn thương.

Phương pháp điều trị bệnh đục thủy tinh thể

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành  nên bệnh đục thủy tinh thể. Một chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả,..giúp bổ sung nhiều vitamin và một số nhóm chất chống oxy hóa, đảm bảo chức năng hoạt động tốt của gan sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể.

Bệnh đục thủy tinh thể nên ăn nhiều rau xanh và các loại quả màu đỏ.jpg

Bệnh đục thủy tinh thể nên ăn nhiều rau xanh và các loại quả màu đỏ

Phương pháp nội khoa

Bổ sung một số vitamin C, A, E,..từ việc dùng thuốc phối hợp những vitamin với chất chống oxy hóa đơn lẻ.

Phương pháp ngoại khoa 

Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo bằng 2 cách: phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao đặt thủy tinh thể nhân tạo và phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm đặt thủy tinh thể nhân tạo (hay còn gọi là phương pháp phẫu thuật Phaco).

Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật không phải lúc nào cũng cho kết quả tốt và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng hơn hết là phải biết biện pháp phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể như thế nào từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

- Khám và kiểm tra mắt thường xuyên.

- Đeo kính râm tránh tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím khi đi ngoài trời.

- Chọn một chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh bao gồm nhiều trái cây và rau xanh.

- Không lạm dụng chất kích thích, ngưng sử dụng thuốc lá.

- Nếu làm việc trong văn phòng có máy lạnh phải dành thời gian cho mắt được nghỉ ngơi và ra ngoài hít thở khí trời.

Lời khuyên cho bạn

Cách bảo vệ mắt tốt nhất là có biện pháp phòng ngừa từ rất sớm (kể cả khi chưa có dấu hiệu suy giảm thị lực). Đối với những người đã bị đục thủy tinh thể cần bổ sung các thành phần có tác dụng: chống oxy hóa mạnh làm giảm các gốc tự do (đặc biệt là Lutein và Zeaxanthin- hai carotenoid duy nhất có ở võng mạc); các chất dinh dưỡng thiết yếu cho mắt (Kẽm, Vitamin B2).  

Phương Thoại