Khi bước sang tuổi trung niên, đôi mắt của chúng ta phải đối diện với rất nhiều nguy cơ mất thị lực do các bệnh lão hóa. Thoái hóa điểm vàng tuổi già là một trong số đó. Bệnh có thể xuất hiện ở một mắt, rồi tiến triển ở cả hai mắt khiến thị lực suy giảm không hồi phục.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là gì?
Thoái hóa hoàng điểm, hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng là bệnh lý mạn tính gây mất thị lực do tổn thương tại vùng hoàng điểm (điểm vàng) – bộ phận trung tâm của võng mạc, đảm nhiệm về độ sắc nét, màu sắc của hình ảnh. Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở những người trên 50 tuổi.
Tổn thương hoàng điểm trong bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già có những loại nào?
Thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác, thường xuất hiện dưới 2 dạng “khô” và “ướt”:
- Thoái hóa điểm vàng thể khô (chiếm 85 – 90%): Bệnh tiến triển âm thầm làm mất thị lực trung tâm, do các tế bào nhạy sáng ở vùng hoàng điểm bị lão hóa. Người ta cũng tìm thấy sự lắng đọng của các đốm vàng (drusen) tích tụ bên trong võng mạc, đây có thể là dấu vết của các mô đã chết đi.
- Thoái hóa điểm vàng thể ướt (chiếm 10 - 15%): Do sự phát triển các mạch máu bất thường trong mắt, chúng rất giòn và dễ nứt vỡ, gây rò rỉ dịch vào vùng hoàng điểm, dẫn tới mất thị lực nghiêm trọng trong thời gian ngắn.
Triệu chứng thoái hóa hoàng điểm tuổi già
Do ảnh hưởng trực tiếp tới vùng hoàng điểm, bệnh có thể gây ra bộ 3 triệu chứng: Mất thị lực trung tâm – Méo – Mờ (3M), cụ thể:
- Mất thị lực trung tâm: vùng trung tâm của hình ảnh trở nên tối đen, trong khi vùng ngoại vi vẫn thấy rõ. Hiện tượng này có thể diễn ra từ từ hoặc khởi phát nhanh chóng.
- Méo: hình ảnh bị bóp méo, khi nhìn đường thẳng sẽ bị lượn sóng, một vài điểm có thể biến mất.
- Mờ: cảm giác như có bóng mờ, màn sương che trước mắt.
- Triệu chứng khác: mất khả năng cảm nhận và phân biệt độ sáng – tối của màu sắc; chức năng thị giác phục hồi chậm sau khi tiếp xúc với nguồn sáng mạnh.
Nếu bạn đang gặp phải một trong những triệu chứng 3M kể trên, hãy liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0971.003.903 (trong giờ hành chính) để được tư vấn hỗ trợ.
Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa điểm vàng tuổi già
Tuổi cao là yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa điểm vàng. Bên cạnh đó, người cao tuổi nếu có thêm những yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng cao hơn:
- Béo phì
- Lười vận động thể chất
- Tiền sử gia đình có người mắc thoái hóa điểm vàng
- Cao huyết áp
- Hút thuốc lá
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc loạn thần, thuốc chống sốt rét…
- Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới
Làm thế nào để chẩn đoán thoái hóa hoàng điểm tuổi già?
Khi bị nghi ngờ mắc thoái hóa điểm vàng, bác sỹ có thể yêu cầu bạn thực hiện một bài kiểm tra với lưới Amsler. Nếu bạn nhìn thấy một số đường lượn sóng, mờ nhòe hoặc vùng tối ở giữa, mắt bạn đã bị thoái hóa điểm vàng.
Tiếp đó, bác sỹ có thể yêu cầu bạn chụp mạch huỳnh quang để kiểm tra các mạch máu bất thường tại võng mạc nhằm xác định thể bệnh mà bạn mắc phải.
Chẩn đoán thoái hóa hoàng điểm tuổi già bằng lưới Amsler
Cách điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già
Các phương pháp điều trị thoái hóa điểm vàng phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, dạng bệnh.
Điều trị thoái hóa hoàng điểm thể khô
Hiện nay chưa có một phương pháp nào được FDA (Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận để điều trị thoái hóa điểm vàng thể khô. Nhưng một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy, việc bổ sung các chất chống oxy hóa Lutein, Zeaxanthin cùng các vitamin theo công thức AREDS và AREDS2 có thể ngăn chặn tiến triển thoái hóa thể khô chuyển sang thể ướt.
Xem thêm: Viên uống hỗ trợ điều trị thoái hóa hoàng điểm chứa Lutein, Zeaxanthin
Điều trị thoái hóa hoàng điểm thể ướt
Mục đích của các phương pháp điều trị đều nhằm ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu bất thường:
- Sử dụng thuốc: Các thuốc như Lucentis, Macugen, Eylea… là những loại thuốc ức chế tăng sinh tân mạch dạng tiêm trực tiếp vào mắt đã được FDA chấp thuận lưu hành rộng rãi trong điều trị thoái hóa điểm vàng thể ướt.
- Laser quang đông: Năng lượng laser được sử dụng để “vô hiệu hóa” các mạch máu mới, tránh rò rỉ dịch. Hiện nay phương pháp này ít được sử dụng vì để lại nhiều vết sẹo nhỏ trên võng mạc và gây ra những điểm mù.
- Quang trị liệu: Phương pháp này sử dụng tia laser năng lượng thấp để kích hoạt Visudyne – 1 loại thuốc tiêm tĩnh mạch để triệt tiêu các mạch máu mới.
- Dùng kính thiên văn cấy ghép: Thiết bị siêu nhỏ này được cấy vào mắt, giúp phóng to hình ảnh lên võng mạc để cải thiện thị lực trung tâm, được dùng cho người bệnh ở giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, dù bạn bị mắc chứng thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể khô hay thể ướt thì việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng khoa học luôn là điều cần thiết để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ làm việc khoa học cho mắt, tránh tiếp xúc lâu với các thiết bị điện tử, đeo thêm kính mát khi ra ngoài để ngăn ánh sáng có hại làm bệnh tiến triển nặng hơn.
Xem thêm: Chế độ ăn tốt nhất để đẩy lùi thoái hóa hoàng điểm
Ds. Lê Lương
Nguồn tham khảo:
http://www.allaboutvision.com/conditions/amd.htm
https://www.singhealth.com.sg/PatientCare/Overseas-Referral/vt/Conditions/Pages/Age-Related-Macular-Degeneration.aspx
------------------------------