Hầu hết mọi người vẫn quan niệm đục thủy tinh thể là bệnh của người già tuy nhiên trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Trẻ bị đục thủy tinh thể nếu phát hiện muộn nên dẫn đến nguy cơ mù lòa cao.
Đục thủy tinh thể dễ nhầm với bệnh khác
Bé Nguyễn Minh Phương (5 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được mẹ đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám khi không thể nhìn rõ các vật. Các bác sỹ kết luận bé Phương bị đục thủy tinh thể. Khi nghe bác sỹ thông báo về tình hình bệnh của con chị giật mình sửng sốt, thậm chí còn hoài nghi kết luận của các bác sỹ. “Con tôi mới 5 tuổi thôi mà. Làm sao có thể bị đục thủy tinh thể được”, chị Hồng Anh mẹ bé Phương chia sẻ.
Hầu hết những phụ huynh đưa con đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám đều rất kinh ngạc với kết luận của các bác sỹ. Đó là vì trước tới nay, nhiều người vẫn luôn quan niệm đây là bệnh của người già. Cũng chính vì suy nghĩ rằng đục thủy tinh thể chỉ xảy ra ở người già nên khi thấy mắt trẻ nhìn kém, đặc biệt là nhìn lên bảng không rõ thì cho trẻ đeo kính cận. Đến khi mắt mờ không thể nhìn thấy gì thì mới đưa tới bệnh viện lúc này bệnh đã muộn.
Đưa trẻ đến bệnh viện mắt trước khi quá muộn
Nguyên nhân nào gây đục thủy tinh thể ở trẻ em
Đục thủy tinh thể ở trẻ có thể xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc tiến triển trong những năm đầu cuộc đời. Có 2 nguyên nhân chính gây đục thủy tinh thể ở trẻ: Một là do di truyền, hai là do nhiễm khuẩn trong thời kỳ người mẹ mang thai, đặc biệt là các bệnh do virus (herpes, cúm, quai bị...). Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt.
Trẻ bị đục thủy tinh thể còn có thể do các bệnh lý tai mắt như viêm màng bồ đào, glaucoma, bong võng mạc, u nội nhãn.
Chế độ dinh dưỡng cũng liên quan mật thiết với sự hình thành của bệnh đục thủy tinh thể. Trẻ bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm, taurine... Những yếu tố này được gọi là chất chống oxy hóa giúp dọn dẹp các gốc tự do, bảo vệ mắt không bị tổn thương.
Chế độ dinh dưỡng cũng liên quan đến sự hình thành của bệnh
Chủ động phát hiện sớm đục thủy tinh thể
Thị lực của trẻ được hình thành trong quá trình tập nhìn ở những năm đầu đời. Do vậy, nếu trẻ bị đục thủy tinh thể sẽ bị mất phản xạ nhìn và có thể dẫn đến thị giác không được hoạt động, bị teo nhỏ, khả năng nhìn kém. Trẻ bị đục thủy tinh thể cần phải tiến hành phẫu thuật ngay để giữ thị lực cho bé.
Quá trình điều trị đục thủy tinh thể cho trẻ cũng rắc rối hơn người lớn. Điều trị đục thủy tinh thể ở trẻ em không chỉ đơn thuần là phẫu thuật (thay thể thủy tinh nhân tạo) mà còn phải chọn đúng thời điểm phẫu thuật, cách thức điều chỉnh quang học và luyện tập để phục hồi thị lực sau mổ. Mặc dù phẫu thuật thành công nhưng rất có thể xảy ra các biến chứng như bong võng mạc, nhiễm khuẩn... vì thế cần có sự theo dõi chặt chẽ theo chỉ định của bác sỹ sau khi đã có kết luận về bệnh.
Để phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể ở bé, bố mẹ cần chủ động quan sát và theo dõi thường xuyên thị lực của bé. Nếu thấy bé giảm thị lực so với bình thường (hay quờ quạng, không thấy rõ đường đi, phải nhíu mắt khi muốn nhìn kỹ một vật gì đó... hoặc thường xuyên bị chói mắt thì bố mẹ cần đưa bé đi khám chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra bố mẹ cũng cần theo dõi phản xạ nhìn của bé, nếu bé được 2 - 3 tháng tuổi mà vẫn chưa biết nhìn theo tay mẹ khi di chuyển đồ vật thì đây là dấu hiệu bất thường, cần đưa bé đi khám chuyên khoa mắt.
Hiện tượng đục thủy tinh thể bẩm sinh có liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe của mẹ khi mang thai. Nếu trong thai kỳ, người mẹ từng bị ốm, sốt, nhiễm virus, vi khuẩn... thì mẹ cần cho bé kiểm tra mắt ngay sau sinh để loại trừ nguy cơ tổn thương bẩm sinh.
Với những trường hợp bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, ngoài việc thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, có thể dùng thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa các thành phần như: Kẽm, Vitamin B2, Lutein, Alpha – Lipoic acid,….để bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho mắt.
Nguyễn Vinh