Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân đứng hàng đầu trong số các bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn trên toàn thế giới. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh và có các phương pháp điều trị đúng thời điểm có thể giúp bảo vệ thị lực, giúp đôi mắt luôn sáng khỏe.
Thế nào là bệnh đục thủy tinh thể?
Đục thủy tinh thể là tình trạng thể thủy tinh trong mắt bị mất đi tính trong suốt, trở nên mờ đục, làm cản trở đường truyền của tia sáng lên võng mạc. Kết quả, hình ảnh mà mắt nhìn thấy sẽ bị mờ nhòe, giống như có một màn sương che phủ, kèm theo lóa sáng, sợ ánh sáng...
Đục thủy tinh thể có thể gây mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị sớm
Khám bệnh đục thể thuỷ tinh
Hỏi bệnh
Triệu chứng chủ quan của đục thể thuỷ tinh rất nghèo nàn. Bệnh nhân thường chỉ phàn nàn vì giảm thị lực. Ở giai đoạn rất sớm của bệnh có thể có dấu hiệu ruồi bay.
Trên bệnh nhân cao tuổi, triệu chứng là giảm số kính đọc sách. Nhiều cụ già cao tuổi không cần kính mà vẫn có thể đọc sách hoặc khâu vá. Đây được xem là triệu chứng “giả” của bệnh đục thủy tinh thể trong giai đoạn đầu.
Khám bệnh
Đục thể thuỷ tinh hoàn toàn chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy. Khi đó, quan sát mắt sẽ thấy một màu trắng đục.
Ở những bệnh nhân đục thể thuỷ tinh chưa hoàn toàn, bác sĩ có thể phải sử dụng nhiều biện pháp như: đo thị lực, thử hướng ánh sáng, đo nhãn áp, soi đáy mắt, nếu có thể được thì thử hoặc đo cả thị trường, làm siêu âm kiểm tra võng mạc - dịch kính.
Phân loại đục thể thuỷ tinh theo căn nguyên
Đục thể thuỷ tinh do tuổi già
Tuổi càng cao thì thể thuỷ tinh càng tăng độ dày, tăng trọng lượng và kém đàn hồi.
Đục thể thuỷ tinh do tuổi già là quá trình diễn ra từ từ và có thể không song hành giữa hai mắt. Người ta chia quá trình đục thể thuỷ tinh ra các giai đoạn:
- Giai đoạn đục bắt đầu:
Bệnh nhân bắt đầu thấy những biểu hiện lâm sàng như đã nêu trên. Nhìn mắt thường qua lỗ đồng tử chưa thấy hình ảnh mờ đục.
- Giai đoạn đục tiến triển: Thị lực của bệnh nhân giảm rõ hơn có khi chỉ còn ở mức đếm ngón tay trước mắt. Nhìn mắt thường qua lỗ đồng tử thấy mờ đục.
- Giai đoạn đục thể thuỷ tinh hoàn toàn (đục chín): Thị lực chỉ còn ở mức thấy sáng tối, biết hướng ánh sáng.
Đục thể thuỷ tinh do chấn thương
- Đụng dập
- Vết thương nhãn cầu
- Các tác nhân vật lý, hoá học: Điện giật, sức nóng, tia xạ, tia cực tím… đều có thể gây đục thể thuỷ tinh. Các axit, các chất kiềm gây bỏng mắt nặng thường gây đục thể thuỷ tinh ngay lập tức sau bỏng.
Trừ loại đục thể thuỷ tinh do chấn thương vỡ bao gây đục trương phồng chất nhân ra tiền phòng cần xử trí cấp cứu, các loại đục thể thuỷ tinh khác do chấn thương đều nên được điều trị khi mắt đã ổn định bệnh.
Đục thể thuỷ tinh do bệnh lý
Nhiều bệnh lý của mắt và một số bệnh toàn thân có thể dẫn tới đục thể thuỷ tinh như:
- Viêm màng bồ đào.
- Cận thị nặng.
- Glocom: Bệnh glocom và glocom sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật lỗ dò.
- Bong võng mạc lâu ngày.
- Đái tháo đường: Đục thể thuỷ tinh thường xuất hiện ở người bệnh trẻ tuổi, đục cân xứng hai mắt.
Đục thể thuỷ tinh bẩm sinh - đục thể thuỷ tinh ở trẻ em
Hình ảnh đục thể thuỷ tinh thấy ngay từ lúc cháu bé mới được sinh ra đó là đục thể thuỷ tinh bẩm sinh. Nếu đục thể thuỷ tinh xuất hiện ở những tuổi đầu tiên của trẻ thì đó gọi là đục thể thuỷ tinh ở trẻ em.
Căn nguyên thường được nhắc đến của đục thể thuỷ tinh nhóm này là di truyền, các bệnh phôi trong giai đoạn đầu thai kỳ, do thuốc, tia xạ, nhiễm khuẩn (cúm, quai bị, herpes, rubeon…)
Đục thể thuỷ tinh do các nguyên nhân khác
Nhóm đục thể thuỷ tinh này ít gặp. Có thể kể đến :
- Do corticoid: Một số bệnh mắt cần dùng corticoid dạng tra mắt nhưng nếu lạm dụng dùng thuốc quá lâu ngày sẽ gây đục thể thuỷ tinh. Hình thái đục của loại này là đục dưới bao sau và có những hạt lấp lánh, nhiều màu sắc ở trong vùng đục.
- Đục thể thuỷ tinh do thiểu năng tuyến giáp.
- Đục thể thuỷ tinh do các bệnh rối loạn chuyển hoá .
Điều trị đục thể thuỷ tinh
Điều trị nội khoa
Tác dụng của các biện pháp điều trị nội khoa còn đang là điều phải bàn cãi tuy nhiên vẫn được áp dụng và có thể chia ra hai đường dùng:
- Toàn thân: Từ các yếu tố bệnh căn như lão hoá, rối loạn chuyển hoá…. Người ta dùng phác đồ điều trị chống lão hoá chung, dùng thêm các thuốc tăng cường vitamin C, Canxi, Glutathion…
- Tại mắt: Nhỏ mắt các dung dịch chứa iode, chứa chất ổn định bao thể thuỷ tinh, chứa các chất kiến tạo glutathol, chất ngăn chặn sự biến tính protein của thể thuỷ tinh ….
Các thuốc rỏ mắt này đều chỉ có giá trị ở giai đoạn sớm của quá trình đục thể thuỷ tinh và cũng chỉ làm chậm lại quá trình này chứ không làm cho thể thuỷ tinh khỏi đục hoàn toàn.
Điều trị ngoại khoa
Hiện nay chủ yếu áp dụng phương pháp mổ phaco, tức là dùng sóng siêu âm tán nhuyễn thủy tinh thể cũ, sau đó hút bỏ ra ngoài và thay thế bằng một ống kính nội nhãn đóng vai trò tương tự.
Một số bệnh viện lớn tại Việt Nam cũng bắt đầu sử dụng phương pháp mổ laser với ưu điểm là ít biến chứng hơn mổ phaco, tuy nhiên, giá thành để thực hiện phương pháp này khá đắt đỏ.
Lời khuyên từ chuyên gia: Thủy tinh thể tự nhiên của con người có chức năng điều tiết giúp mắt chúng ta có thể nhìn được hình ảnh sự vật dù ở gần hay ở xa, đây là điều mà thủy tinh thể nhân tạo không có được, cho dù tuổi thọ của thủy tinh thể nhân tạo khá cao. Nếu căn bệnh đục thủy tinh thể chưa làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn hãy áp dụng các biện pháp như thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, dùng các thuốc giúp tăng cường thị lực cho mắt, ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh để giữ lại thủy tinh thể tự nhiên của mình.
Nguyễn Trang