Thượng đế đã khéo tạo ra con người với đầy đủ các giác quan để tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống, của thiên nhiên. Trong đó, đôi mắt nắm giữ vai trò quan trọng nhất giúp con người tiếp nhận tri thức, cảm nhận cuộc sống muôn màu. Như nhà thơ Xuân Diệu đã nói, đôi mắt còn là biểu tượng của niềm tin, hy vọng và là nguồn cảm hứng cho cảm xúc biến thiên không ngừng.

Giàu đôi con mắt, đôi tay
Tay siêng làm lụng, mắt hay kiếm tìm
Hai con mắt mở, ta nhìn
Cho sâu, cho sáng mà tin cuộc đời
Rộng như lòng mẹ đưa nôi,
Lại say đắm mãi như người tình nhân
                                                (Xuân Diệu)
 
 
Tuy nhiên đôi mắt cũng là cơ quan thường xuyên phải chịu tác động xấu của môi trường, phải làm việc với cường độ cao nên nguy cơ mắc các bệnh về mắt ngày càng tăng theo tuổi tác. Các bệnh đục thủy tinh thể, glaucoma, thoái hóa điểm vàng … xuất hiện gây nên sự suy giảm thị lực, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Đục thủy tinh thể - người bệnh dễ chủ quan với triệu chứng mờ đục dần

Thủy tinh thể (TTT) là một thấu kính trong suốt, giúp ánh sáng hội tụ được đúng trên võng mạc. Thủy tinh thể chỉ đạt được hiệu quả làm việc tối ưu khi nó còn độ trong suốt và các độ dày, mặt cong nằm trong giới hạn sinh lý. Bất kỳ nguyên nhân nào làm thủy tinh thể bị mờ đục gây tán xạ ánh sáng đều làm thị lực suy giảm. Có rất nhiều con đường khác nhau gây đục thể thủy tinh như do tuổi già, do di truyền, môi trường, tia tử ngoại, tiểu đường, thuốc lá….. nhưng đều dẫn đến một kết quả chung là thị lực suy giảm, mắt mờ dần và nặng hơn mắt chỉ có thể phân biệt được sáng tối hoặc mù hoàn toàn.

Một con đường khác mà người ta vẫn gọi là “đường tắt dẫn đến mù lòa” do đục thủy tinh thể gây nên là bởi bệnh nhân chủ quan với các triệu chứng ban đầu của bệnh và cho rằng đó là dấu hiệu tuổi già “mắt mờ, chân chậm”. Mức độ suy giảm thị lực của bệnh ĐTTT diễn ra từ từ, từ mức thị lực chỉ suy giảm một vài phần đến lúc chỉ còn phân biệt được sáng tối. Ở một số bệnh nhân có gặp hiện tượng nhìn đôi, nhìn nhiều vật một lúc, nhìn hình ảnh như nhìn qua màn sương…

Theo báo cáo của Chương trình quốc gia phòng chống mù lòa (2010 – 2013), ĐTTT là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, chiếm 66% số người mù trên toàn quốc. Trong đó, nguy cơ cao nhất gây đục thủy tinh thể là do tuổi tác, dưới tác động của quá trình lão hóa tự nhiên.

Hiện nay phương pháp mổ PHACO, đặt IOL là thành tựu ngoạn mục của ngành nhãn khoa trong công cuộc chống mù lòa do bệnh ĐTTT gây ra. Tuy nhiên không phải ai cũng hoan hỷ ngồi chờ những cuộc phẫu thuật gây đau đớn, tốn kém và tồn tại những rủi ro nguy hiểm. Do vậy có cách nào để phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người cao tuổi?

Người cao tuổi là đối tượng chính bị đục thủy tinh thể

Chống lão hóa mắt bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý 

Theo chuyên gia nhãn khoa, việc tầm soát và phát hiện, điều trị sớm có ý nghĩa lớn trong việc phòng ngừa mù lòa do lão hóa sớm các bộ phận trong cơ quan thị giác. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp điều trị đều có những điểm hạn chế, chính vì vậy vai trò của dinh dưỡng, lối sống và môi trường là yếu tố quan trọng giảm nguy cơ tiến triển bệnh về mắt ở người già.

Bổ sung các Vitamin A, E, B1, B2 và các carotene thiết yếu góp phần ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa mắt. Có 2 loại carotene thiết yếu cho mắt là Lutein & Zeaxanthin, vừa là dưỡng chất cho mắt, vừa có vai trò chống oxy hóa, lọc tia tử ngoại bảo vệ mắt. Hai caroten này cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải bổ sung từ bên ngoài thông qua thực phẩm, thực phẩm chức năng hoặc thuốc. Nghiên cứu của Chasan và cộng sự  đã cho thấy sử dụng Lutein và Zeaxanthin thường xuyên giúp giảm 22% nguy cơ mắc đục thủy tinh thể. Một kết quả nghiên cứu khác của nhà khoa học Moeller (2006) cho thấy việc sử dụng Lutein và Zeaxanthin giúp giảm 43% nguy cơ mắc thoái hóa võng mạc do tuổi tác.

Hoàng Nam