Chấn thương mắt có thể bao gồm 2 dạng: Đụng dập mắt và vết thương ở mắt. Nói chung các tổn thương của chấn thương mắt gây ra là phức tạp, di chứng nặng nề và tỉ lệ mù loà cao vì vậy vấn đề phòng tránh chấn thương mắt cần được coi trọng đúng mức.
Chấn thương ngoài nhãn cầu
Đụng dập và tụ máu
Những va chạm với vật tù đầu không gây rách bề mặt da nhưng có thể gây bầm dập tổ chức, mi sưng nề khó mở mắt. Máu tụ ở vùng bầm dập gây bầm tím nhưng sẽ tiêu đi và thường là không để lại di chứng, tuy nhiên cũng nên có những tác động điều trị để hạn chế chảy máu, tăng nhanh quá trình tiêu máu như băng ép, chườm lạnh ở giai đoạn sớm ngay sau sang chấn; uống nhiều nước, chườm nóng ở giai đoạn sau…
Những tổn thương ở vùng lân cận như mũi, thái dương, nền sọ trước … hay gây bầm tím hoặc tụ máu ở mắt do máu ngấm lan từ chỗ tổn thương nguyên phát tới vùng mắt nhưng xuất hiện chậm, khoảng 12-24-48 giờ sau chấn thương. Loại tụ máu này cũng làm cho vùng mắt sưng tấy nhưng khi khám sẽ chỉ thấy các dấu hiệu của tổn thương nguyên phát (lạo xạo xương, vết thương...), các môi trường trong suốt của nhãn cầu vẫn bình thường, thị lực không giảm. Loại máu tụ này sẽ tiêu đi sau khi đã xử trí tổn thương nguyên phát. Việc xử trí cần có sự phối hợp của các chuyên khoa tương ứng, về mắt chỉ cần :
- Dung dịch kháng sinh rỏ mắt để phòng bội nhiễm.
- Chườm nóng, uống nhiều nước cho nhanh tiêu máu.
- Thuốc cầm máu, tăng tiêu máu: Vitamin C , K , Transamin…
Vùng mí mắt sau chấn thương đụng dập
Vết thương
Loại không xuyên thấu: Trường hợp này xử trí như những vết thương phần mềm khác.
- Gây tê ngấm quanh vết thương.
- Rửa sạch, cắt lọc hết sức tiết kiệm để tránh di chứng co kéo lật mi.
- Khâu vết thương bằng kim chỉ nhỏ, cố gắng đặt vừa khít mép vết thương chứ không thắt tạo bờ đê như khi khâu các vết thương ở chi thể.
- Vết thương loại này ở mi trên nếu đi song song với bờ mi thì thường kèm theo tổn thương cơ nâng mi trên. Khi khâu vết thương cần lưu ý ráp nối từng lớp đúng theo giải phẫu để hạn chế hiện tượng sụp mi về sau.
Loại xuyên thấu mi: Vết thương đã thấu mi rất có thể kèm theo thương tổn ở nhãn cầu, vết thương nhãn cầu cần được xử trí trước sau đó mới trở lại với các tổn thương của mi mắt.
Nếu có đứt tiểu lệ quản (vết thương ở đoạn phía trong cục lệ ): Cần có dụng cụ chuyên dùng (pigtail- đuôi lợn) để luồn ống silicon vào lệ quản làm nòng, khâu nối lệ quản trên nòng sau đó mới khâu vết thương. Loại tổn thương này nên được xử trí ở tuyến chuyên khoa vì cần kỹ thuật vi phẫu và dụng cụ chuyên khoa.
Nếu có đứt dây chằng mi trong, dây chằng mi ngoài: phải khâu nối dây chằng như nối gân hoặc khâu dây chằng vào màng xương chỗ bám cũ theo đúng giải phẫu tiếp sau đó khâu vết thương từng lớp.
Vết thương có đứt bờ mi tự do: Tổn thương loại này thường kèm theo đứt các thớ cơ vòng cung mi, hai đầu cơ co lại làm cho vết thương toác rộng, kết giác mạc do đó bị lộ. Việc khâu vết thương cần được tiến hành sớm để che phủ nhãn cầu. Về kỹ thuật khâu nên tuân thủ theo thứ tự :
- Mối khâu đầu tiên ở bờ tự do phải bảo đảm cho bờ tự do thật khớp, nếu có di lệch sẽ gây kích thích kéo dài đồng thời ảnh hưởng xấu về mặt thẩm mỹ.
- Cũng có thể khâu sụn - kết mạc từ phía mặt trước mà không cần phải lật mi nhưng điều quan trọng là phải quan sát kỹ khi xuyên kim thắt chỉ để đảm bảo mép sụn thật khớp. Nút chỉ buộc như vậy được vùi trong tổ chức ở mép vết thương. Cũng có thể dùng chính mối chỉ khâu vết thương ở bờ tự do hoặc một mối chỉ khâu da sát bờ mi tự do kéo lật mi để khâu các mối chỉ rời ở lớp sụn-kết mạc. Chỉ khâu kết mạc-sụn kiểu này cần được giấu mối để tránh sự cọ sát của chúng vào giác mạc. Cỡ chỉ nên dùng ở đây là 7/0, 8/0.
- Cuối cùng là khâu lớp da-cơ.
Thuốc dùng sau mổ cho các vết thương mi cũng như các trường hợp vết thương phần mềm khác, không được quên dùng huyết thanh chống uốn ván.
Chấn thương nhãn cầu
Cơ chế và đặc điểm tổn thương: Một vật tù đầu, một sóng xung kích .... tác động mạnh vào vùng mắt - có thể trực tiếp vào bề mặt nhãn cầu hoặc qua lớp mi - ép mạnh nhãn cầu về phía sau, gây tăng nhãn áp bất ngờ và tiếp ngay sau đó là sự đàn hồi trở lại gây chèn ép, giằng giật, xáo động tổ chức nội nhãn đưa tới hậu quả là sự vỡ rách tức thì của lớp vỏ nhãn cầu và sau đó là quá trình bệnh lý thứ phát: viêm, thoái hoá do rối loạn tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng ở toàn bộ các chi tiết giải phẫu của nhãn cầu. Do đó tổn thương trong đụng dập nhãn cầu là rất đa dạng, rất phức tạp hay bị bỏ qua, bỏ sót. Hầu như tất cả các chi tiết của nhãn cầu đều bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, khi khám bệnh cần lưu ý vấn đề này.
Kết mạc: Có thể gặp chảy máu, tụ máu, rách kết mạc. Máu tụ dưới kết mạc thường tự tiêu đi được và không để lại di chứng. Rách kết mạc đơn thuần nếu dài trên 0,5cm và có gây lộ củng mạc cần phải được khâu lại bằng chỉ nhỏ. Nên thăm dò bề mặt củng mạc nơi tương ứng vết thương một cách cẩn thận, nếu hoàn toàn yên tâm không có tổn thương củng mạc thì mới tiến hành khâu vết thương kết mạc.
Giác mạc: Đụng dập thường làm cho giác mạc bị trợt biểu mô hoặc có khi tới lớp nông của nhu mô. Tiếp đó, rối loạn dinh dưỡng và tổn thương nội mô làm cho giác mạc bị nề phù, mờ đục.
Có thể có hiện tượng đĩa máu giác mạc nếu nội mô bị tổn thương kết hợp với xuất huyết tiền phòng mà máu đọng ở tiền phòng kéo dài quá 7 ngày. Các tổn thương của giác mạc được điều trị bằng cách tra thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh, thuốc tăng cường cho sự lành sẹo kết hợp với các thuốc chống viêm mống mắt thể mi.
Nứt vỡ giác mạc thường thấy ở vùng rìa và liên quan đến các vết nứt vỡ củng mạc ở vùng tương ứng. Khi khâu các vết thương giác- củng mạc loại này cần lưu ý: sau khi xử trí tốt các tổ chức nội nhãn phòi ra ở vết thương, mũi khâu đầu tiên là ở vùng rìa để đảm bảo mốc giải phẫu tiếp đó là khâu vết thương củng mạc và vết thương giác mạc. Thao tác sau cùng là bơm hơi tiền phòng. Sau khi khâu vết thương giác mạc mà không bơm hơi tiền phòng thì chắc chắn sẽ có sự dính mống mắt vào vết thương ở mặt sau giác mạc gây nhiều biến chứng theo.
Củng mạc: Tổn thương có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau, đó có thể là:
- Nứt rạn, về sau sẽ giãn lồi củng mạc ở chính vùng này do sự tác động liên tục của nhãn áp.
- Nứt vỡ, phòi các chất nội nhãn: vùng nứt vỡ thường là quanh rìa giác mạc, vùng xích đạo nhãn cầu, chỗ bám của các cơ thẳng vì đó là những nơi củng mạc mỏng và yếu nhất.
Ở nơi vỡ củng mạc, tổ chức nội nhãn phòi qua đó sẽ tạo một đám phồng có màu tương ứng của tổ chức nội nhãn kết hợp với màu máu chảy tại chỗ.
Tổn thương củng mạc không thể tự liền và thậm chí nếu đã khâu nhưng liền không tốt thì về sau vẫn bị giãn lồi củng mạc. Vì vậy các tổn thương củng mạc, dù chỉ là nứt rạn, cũng cần phải được xử trí một cách cẩn thận.Với yêu cầu này, kết mạc vùng nghi ngờ có tổn thương cần được mở tương đối rộng để kiểm tra kỹ củng mạc. Các chi tiết giải phẫu của nội nhãn phòi qua vết thương nếu quá bẩn hoặc đã mủn nát thì nên loại bỏ, nếu còn tươi mới và sạch thì cần bảo tồn bằng cách đẩy trả vào trong nhãn cầu khi tiến hành khâu vết thương. Chỉ khâu vết thương củng mạc nên dùng loại sợi dai, chắc, không tiêu cỡ 7/0 hoặc 8/0 liền kim để dễ xuyên. Các mũi khâu cần lấy gần hết chiều dầy củng mạc, mũi cách mũi khoảng 3mm. Khi khâu xong nhớ đốt điện quanh vùng vết thương để đề phòng bong võng mạc. Vết khâu kết mạc nên được đặt lệch so với vết khâu củng mạc. Dùng các thuốc kháng sinh, chống viêm, tăng dinh dưỡng đường toàn thân và tại mắt.
Mống mắt, thể mi, tiền phòng:
- Đồng tử giãn và méo là dấu hiệu hay gặp.
- Đứt chân mống mắt. Nếu đoạn đứt chân mống đủ dài, mép đứt cuộn lại sẽ gây nhìn đôi ở mắt bị thương, méo đồng tử rõ. Đứt chân mống mắt cũng thường kèm theo chảy máu tiền phòng.
- Nứt rách thể mi, lùi góc tiền phòng dẫn đến chảy máu tiền phòng, hậu quả của lùi góc sẽ là tăng nhãn áp thứ phát.
Máu tiền phòng về mặt đại thể nếu số lượng ít thường tạo thành ngấn ngang ở phía thấp. Nếu máu chảy số lượng nhiều sẽ tràn ngập toàn bộ tiền phòng, che lấp hoàn toàn mống mắt và diện đồng tử. Sang tuần thứ 2 nếu lượng máu này chưa được tiêu đi thì một nguy cơ khác sẽ xuất hiện, đó là hiện tượng đĩa máu giác mạc do máu thâm nhập bề dày của nhu mô giác mạc. Vì vậy cần tích cực điều trị nội khoa cầm máu, tiêu máu: Hyase 150 UI. tiêm dưới kết mạc 1-2 ống/ngày, uống nhiều nước để tăng lưu lượng thuỷ dịch, vitamin K, vitamin C dùng đường toàn thân…kết hợp băng kín 2 mắt, ăn mềm, hạn chế vận động với mục đích đỡ gây rung động nhãn cầu. Nếu tới ngày thứ 7 sau chấn thương mà máu vẫn còn tồn tại thì có nghĩa là máu đã đông, cần chỉ định mở tiền phòng để lấy máu cục kết hợp bơm hơi hoặc bơm dịch tái tạo tiền phòng.
Đứt chân mống mắt nếu gây hiện tượng nhìn đôi ở một mắt thì phải khâu phục hồi chân mống mắt. Đường rạch của phẫu thuật này nên đi chéo vát từ bề mặt củng mạc vào phía trước chân mống. Dùng các mối chỉ 10/0 hoặc 11/0 kiểu chữ U để cố định vùng chân mống bị đứt vào vị trí giải phẫu. Lưu ý cắt dịch dịch kính thật kỹ trước khi khâu phục hồi vết mổ.
Thể thuỷ tinh:
Lệch từng phần : Tiền phòng nông sâu không đều, có dấu hiệu rung rinh mống mắt, bệnh nhân có thể nhìn đôi ở mắt bị thương (trong khi bịt mắt lành).
Lệch toàn phần: Thường do lực tác động rất mạnh gây đứt toàn bộ các dây chằng Zinn. Thể thuỷ tinh có thể bị lệch tới các vị trí:
- Ra tiền phòng: Do ban đầu thuỷ tinh thể còn trong cho nên trông giống như một giọt dầu ăn ở trong tiền phòng. Lệch thuỷ tinh thể kiểu này gây tăng nhãn áp cấp tính, bệnh nhân bị đau nhức dữ dội.
- Vào dịch kính.
- Phòi ra ngoài qua chỗ vỡ giác - củng mạc.
Vỡ bao thể thuỷ tinh: Khi bao bị nứt vỡ, thuỷ dịch sẽ ngấm vào gây trương phồng thể thuỷ tinh, chất thể thuỷ tinh (mass-phần vỏ-chất nhân) sẽ bị phòi ra tiền phòng gây viêm mống mắt thể mi.
Các trường hợp tổn thương thể thuỷ tinh do đụng dập cần được xử trí mổ sớm là thể thuỷ tinh bị lệch ra tiền phòng gây tăng nhãn áp, thể thuỷ tinh bị phòi ra ngoài qua chỗ vỡ giác- củng mạc và thể thuỷ tinh bị nứt vỡ bao có phòi chất nhân. Ở hai trường hợp trên, thể thuỷ tinh sẽ được lấy bỏ trong bao. Ở trường hợp sau chỉ nên rửa hút chất nhân kết hợp điều trị chống viêm mống mắt thể mi.
Với các trường hợp còn lại, nhìn chung là sau chấn thương đụng dập thể thuỷ tinh hay bị đục do bị chấn động, rối loạn dinh dưỡng hoặc do vỏ bao bị tổn thương (nhưng chưa tới mức bị vỡ). Những hình ảnh đục này được quan sát rõ khi đồng tử giãn, thường hay gặp kiểu đục hình sao, hình hoa khế hoặc đục vỏ sau. Các tổn thương thể thuỷ tinh loại này chỉ nên xử trí khi đã đục thật rõ và mắt đã hoàn toàn hết viêm màng bồ đào do chấn thương.
Dịch kính: Xuất huyết dịch kính rất hay gặp. Cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng corticoit đường toàn thân. Lưu ý rằng xuất huyết dịch kính thường là hậu quả của tổn thương võng mạc, hắc mạc.
Đáy mắt: Phù võng mạc ở cực sau (phù Berlin), chảy máu, bong võng mạc, rách hắc mạc. Khi có phù võng mạc, cho bệnh nhân dùng các thuốc giãn mạch đường tiêm sau nhãn cầu (Divascol), đường uống (Ucetam, Cavinton, Duxil…), dùng corticoit đường toàn thân. Điều trị các tổn thương chảy máu, rách võng mạc, cần cho bệnh nhân nằm bất động hợp lý, làm quang đông bằng laser hoặc lạnh đông vùng rách kết hợp các thuốc cầm máu, thuốc tăng tiêu máu.
Thị thần kinh: Có thể bị chèn ép gây ứ phù đĩa thị, bị đứt do giằng giật gây mù đột ngột, đồng tử giãn hoàn toàn và mất phản xạ ánh sáng. Cũng có thể gặp trường hợp đứt mạch máu ở màng nuôi gây chảy máu trong bao thị thần kinh. Nhìn chung, tổn thương thị thần kinh mất thị lực tức thì sau sang chấn ít khi hồi phục, thường dẫn tới teo thị thần kinh. Nếu tình trạng mất thị lực xảy ra sau sang chấn khoảng 24h đến 48h thường do nguyên nhân chèn ép, cần huy động mọi khả năng có thể để tìm nguyên nhân (chụp C.T., chụp M.R.I., siêu âm hốc mắt .v.v.) và giải quyết sớm trước ngày thứ 14 kể từ khi thị thần kinh bị chèn ép thì mới có hy vọng phục hôì thị lực.
Hốc mắt: Vỡ thành xương gây tụt nhãn cầu vào các xoang lân cận. Cũng có thể gặp trường hợp vỡ thành xương tạo mảnh chèn về phía hốc mắt kết hợp chảy máu gây tăng áp lực hốc mắt đẩy lồi nhãn cầu. Khám những mắt này sẽ thấy hiện tượng lép bép dưới da do tràn khí từ các xoang, mi phù rõ. Nếu có hạn chế vận nhãn ở một hướng nào đó thì cần làm test cưỡng bức cơ để xác định hiện tượng kẹt cơ vào khe nứt vỡ xương, test này thường phải được làm vào lúc mà hiện tượng nề phù đã giảm bớt. Nứt vỡ xương có thể xảy ra ở vùng ống thị giác gây chèn ép dây thần kinh thị giác hoặc gây xuất huyết vùng quanh thị thần kinh và rồi cũng đưa đến sự chèn ép thần kinh thị giác làm cho thị lực giảm trầm trọng hoặc mất.
Các tổn thương xương nói trên đều cần phải được kiểm tra bằng chụp Xquang, có thể chỉ với phim thông thường nhưng nhiều khi phải chụp CT. Scan hoặc đôi khi phải nhờ tới chụp M.R.I. mới đủ để xác định chẩn đoán, nhất là những trường hợp bệnh nhân có kèm theo giảm hoặc mất thị lực.
Việc chẩn đoán và xử trí những tổn thương loại này nên có sự phối hợp với các khoa liên quan như Tai-mũi-họng, Hàm mặt, Phẫu thuật thần kinh…với mục đích giải phóng chèn ép, giải thoát cơ bị kẹt và đặt xương gẫy về đúng vị trí giải phẫu.
Xử lý chấn thương mắt đúng cách để tránh nguy cơ mù lòa
Vết thương ở bề mặt có dị vật (không xuyên): Đây thường là loại vết thương trợt nông. Bản thân nó đã gây đau rức kết hợp với dị vật lại gây ra thêm triệu chứng cộm rất khó chịu, kích thích liên tục do vậy cần phải tiến hành các biện pháp:
- Ở tại chỗ: bệnh nhân chớp mắt trong chậu nước sạch hoặc trong cốc rửa mắt.
- Ở cơ sở y tế: tra Dicain1% rồi rửa túi kết mạc bằng bơm tiêm gắn kim đầu tù, xịt mạnh dung dịch thuốc kháng sinh, thuốc sát trùng hoặc nước muối sinh lý, nước cất ...
- Dùng một cục bông ướt lau quét nhẹ trên bề mặt giác mạc, kết mạc để kéo theo dị vật.
- Với dị vật găm sâu vào tổ chức:
+ Ở kết mạc: gắp dị vật thật chuẩn xác, có khi phải cắt theo cả một chóp kết mạc đi cùng dị vật.
+ Ở giác mạc: Có thể có các phương pháp như dùng dụng cụ lấy dị vật hoặc kim tiêm nậy nhẹ nhàng, sau đó dùng thìa nạo sạch ổ dị vật. Nếu dị vật ở lớp sâu cần phẫu thuật lấy dị vật với vạt giác mạc hình tam giác hoặc mở xuyên giác mạc theo rìa rồi nâng lên để lấy dị vật từ phía nội mô (rất ít dùng).
Sau mổ hoặc sau lấy dị vật cần dùng kháng sinh, chủ yếu đường tại chỗ và các thuốc tăng cường dinh dưỡng biểu mô: vitamin A, vitamin B2...
Xử trí những tổn thương đặc biệt:
- Vết thương nhãn cầu có dị vật nội nhãn: Chỉ nên lấy dị vật qua vết thương trong trường hợp dị vật ở gần mép vết thương (2-3mm) ngoài ra các trường hợp khác thì không được phép.Vết thương có dị vật nội nhãn cần được chụp film, làm siêu âm khu trú dị vật. Dị vật nội nhãn nhìn chung là nên lấy vì để lâu sẽ gây những biến đổi bệnh lý cho nhãn cầu. Nhưng lấy dị vật chỉ được thực hiện ở những bệnh viện có chuyên khoa sâu.
- Dị vật có thể được lấy qua đường rạch củng mạc nhãn cầu nơi gần dị vật nhất. Dị vật có từ tính được hút bằng nam châm và lấy thường đạt kết quả tốt. Dị vật không từ tính thường được lấy cùng với phẫu thuật cắt dịch kính. Hiện nay cắt dịch kính kết hợp lấy dị vật là cách xử trí tốt nhất cho mọi loại dị vật nội nhãn.
- Vết thương mất rộng tổ chức giác mạc - củng mạc: Nếu cố khâu thì sẽ gây rúm ró nhãn cầu, khi đó nên bóc tách kết mạc và khâu phủ kết mạc, tạo điều kiện cho sự liền sẹo bảo đảm hình thể nhãn cầu. Nếu có điều kiện thì tốt nhất là tiến hành ghép giác mạc nóng. Về sau sẽ ghép giác mạc hay củng mạc vĩnh viễn.
- Vết thương nhãn cầu quá rộng, phòi quá nhiều tổ chức nội nhãn, mắt mềm, mất thị lực: có chỉ định bỏ mắt.
Nguyễn Trang